Trong cuộc phỏng vấn trên Thông tấn xã Trung ương và đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên vào 20.12, bà Choi Kye-soon, 64 tuổi, nói rằng từ giây phút đầu tiên đặt chân lên miền Nam, bà đã bị đối xử “không giống con người”.
Bà đã sống trong cô đơn và không có bất cứ họ hàng nào ở miền Nam. Bà chửi rủa xã hội Hàn Quốc thật tồi tệ, khiến cuộc sống của bà trở nên khốn khổ hơn.
Câu chuyện của bà Choi chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện kể về những khó khăn mà người tị nạn Triều Tiên phải đối mặt khi tới Hàn Quốc. Trên thực tế, “giấc mơ đổi đời” của người Triều Tiên đã bị đánh gục ngay tại “thiên đường” mà họ hằng mong mỏi.
Điều đầu tiên mà tất cả những người tị nạn Triều Tiên gặp phải khi đặt chân tới miền Nam chính là định kiến. Người Hàn Quốc không hề quan tâm tới sự đói khổ của những người miền Bắc và nếu nguồn gốc miền Bắc bị phát hiện, người tị nạn sẽ bị kì thị và khinh bỉ.
Như trong chương trình hẹn hò thực tế SBS Jjak rất phổ biến trên truyền hình Hàn Quốc, sau khi một cô gái trẻ đẹp - từng trở thành niềm mơ ước của những người đàn ông trên chương trình, nói rằng cô từng là người Triều Tiên, tất cả những người đàn ông liền mất hứng thú với cô, ngoại trừ một anh chàng vốn là con trai của một nông dân nghèo.
Cách nhìn không mấy thiện cảm mà người miền nam dành cho người miền bắc cũng được thể hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Nhân vật miền Bắc đầu tiên được tái hiện trên truyền hình là một người đàn ông cục mịch. Anh ta không dùng xà phòng, không biết sử dụng toilet và nhiều thứ nữa", Douglas Shin, một nhà hoạt động nhân quyền từ Los Angeles, cho hay.
Thất nghiệp
Nhưng định kiến chỉ mới là bước mở đầu, bởi sau những giây phút đầu tiên, họ đã phải ngay lập tức đối diện khó khăn thứ hai, chính là tìm việc làm. Trên thực tế, người Triều Tiên không thể tìm được việc làm tốt hoặc thậm chí là không thể tìm được việc tại Hàn Quốc bởi lẽ:
(1) Sự phân biệt đối xử, hậu quả của định kiến đối với người Triều Tiên. Theo ông Oh – một cảnh sát Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc, nói rằng ông đã trốn đến Seoul được một năm nhưng không thể kiếm một việc làm tử tế và "giấc mơ Hàn Quốc" đang tan dần, bởi lẽ chất giọng miền Bắc khiến người ta nhìn ông một cách khinh bỉ và nghi ngờ.
Trong khi đó, những ai may mắn kiếm được việc làm phù hợp thì lại đối mặt với những định kiến xã hội trong môi trường làm việc, bởi mỗi khi chất giọng miền bắc của họ cất lên, họ lại nhận được những cái cau mày.
Thậm chí ông Kim Seung-chul, 52 tuổi, một người trốn chạy khỏi Triều Tiên, hiện đang điều hành một đài phát thanh ở Seoul phát sóng tin tức về Triều Tiên, còn bị "mất việc tại một trung tâm buôn bán ôtô bởi chất giọng Triều Tiên".
(2) Không có kĩ năng thích hợp để thích nghi với cuộc sống hiện đại và sự cạnh tranh mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc, bằng cấp tại Triều Tiên cũng không được chấp nhận.
Ông Oh – một cựu cảnh sát Triều Tiên nói rằng “các chủ doanh nghiệp nghĩ rằng người miền bắc là vô tích sự. Họ thà thuê công nhân từ các nước Đông Nam Á”. Để khuyến khích các công ty tuyển dụng người miền Bắc, chính phủ Hàn Quốc chấp nhận trả một nửa tiền công. Tuy nhiên, những kỹ năng mà người tị nạn học được ở Triều Tiên trở nên vô dụng ở đây và bằng cấp của họ cũng không được công nhận.
(3) Sự hiếu chiến của giới lãnh đạo Triều Tiên đã khiến hầu hết người Hàn Quốc, đặc biệt là các ông chủ, có ác cảm và cho rằng người Triều Tiên là những kẻ hiếu chiến.
Theo Park Kun-ha – thành viên Tổ chức Đoàn kết trí tuệ Triều Tiên, công việc đầu tiên ông tìm được ở Hàn Quốc là nhân viên gác cổng, nhưng sau một vài ngày, ông chủ mới bày tỏ sự nhẹ nhõm vì thấy rằng nhân viên mới không phải là "kẻ hiếu chiến" như ông ta từng lo ngại.
Nhìn chung, những người Triều Tiêu vượt biên không có nhiều vị trí tốt ở Hàn Quốc. Đa phần trong số họ có những công việc mới tầm thường. Tỉ lệ người tị nạn thất nghiệp là 12% vào năm 2012, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc chỉ là 3,8%.
Bất công xã hội
Thứ ba, ngay cả khi đã ổn định được việc làm, họ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải chịu sự bất công. Theo một cuộc nghiên cứu, cứ 10 người thì có 1 người vượt biên gặp rắc rối với pháp luật của Hàn Quốc. Cứ 9 người phụ nữ tị nạn ở Hàn Quốc thì có 1 người bị quấy rối tình dục hoặc bị hãm hiếp, và 1/3 cho rằng, đã hành nghề mại dâm ít nhất một lần. 60% những người mới đến không muốn tiết lộ nguồn gốc của mình.
Khi đến miền đất hứa, một trong những xã hội tư bản cạnh tranh nhất của châu Á, nhiều người Triều Tiên nhận ra rằng giấc mơ đang dần tan biến khi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, bị phân biệt đối xử và thậm chí lo sợ cho an toàn của bản thân.
Theo ông Kim Seung-chul, mặc dù sống ở Hàn Quốc tốt hơn nhưng sự cô đơn và khó khăn khiến tất cả người tị nạn Triều Tiên đều cảm thấy muốn trở về. "Thật là lạ nhưng tất cả chúng tôi đều nhớ Triều Tiên", ông Kim cho biết. "Ở đây, bạn có đồ ăn tối và đồ uống ở công ty nhưng không ai đến thăm nhà của đồng nghiệp. Ở miền Bắc, nhà của hàng xóm chẳng khác gì nhà của bạn, cái đó làm tôi nhớ".
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, số người bỏ trốn đến Hàn Quốc đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Năm 2009 là 2900 người, năm 2010 là 2.402 người, năm 2011 là 2706 người, và năm 2012 đã giảm 44% còn 1.509 người.
Mặc dù truyền thông phương Tây thường tung hô rất nhiều câu chuyện thành công về người tị nạn Triều Tiên tại Hàn Quốc, nhưng phần lớn những người tị nạn đều sống trong cực khổ và mức sống thấp. Thiên đường mà họ hằng mơ ước đã biến thành địa ngục, và quê hương mà họ luôn chối bỏ lại là nơi cuối cùng họ muốn trở về.